MÂM CỖ TẾT - NÉT VĂN HÓA ẨM THỰC ĐẶC SẮC
MÂM CỖ TẾT - NÉT VĂN HÓA ẨM THỰC ĐẶC SẮC
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Bảo Hưng, cuộc sống ngày càng phát triển hiện đại, bởi vậy nét văn hóa ẩm thực Tết ngày nay cũng đã khác nhiều so với Tết xưa.
Tuy nhiên, trong ký ức của ông, mâm cỗ Tết xưa dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, không được ‘mâm cao, cỗ đầy’ như hiện nay nhưng vẫn mang nét tinh tế, chứa đựng hàm ý sâu xa trong từng món ăn, thậm chí trong cách bài trí từng chiếc bát, cái đĩa.
“Bây giờ dịch vụ làm nhiều rồi, đi một lúc là lo xong cái Tết. Nhưng ngày xưa các cụ là tự mình làm lấy, thì nó có cái vất vả của cái tự mình làm lấy, nhưng mà nó có cái vui, cái thích. Thưởng thức cái bánh trưng mà đi mua ở ngoài chợ nó cũng khác. Tức anh phải mua lá, mua thịt, mua đỗ về làm, về gói, rồi nấu hàng chục tiếng đồng hồ mới có cái bánh trưng thì nó khác.
Hoặc là có những cái cầu kỳ mà ông cha ta rất quan tâm. Dù đời sống hàng ngày càng giản tiện bao nhiêu càng tốt nhưng ngày Tết rất được chú trọng. Ví dụ một mâm cỗ Tết bây giờ bao nhiêu bát, bao nhiêu đĩa không bằng ngày xưa. Vì bây giờ giò chỉ có giò lụa rồi giò mỡ, nhưng ngày xưa phải có giò lụa, giò thủ, giò pha, giò lòng... Ngoài ra còn đủ thứ bánh.
Bây giờ chỉ có bánh trưng thôi nhưng ngày xưa còn có bánh mật, bánh gai, bánh phu thê… Những món ăn này có vì các cụ xưa nghĩ rằng, trước là cúng cụ sau là ăn. Nhưng bây giờ quan niệm này dần phai rồi, vì giờ ta ăn quanh năm rồi, cho nên bây giờ không thấy quan trọng nữa”, nhà nghiên cứu văn hoá Trần Bảo Hưng chia sẻ.
Thực tế, cùng dòng chảy của xã hội hiện đại, những cái Tết thời kỳ 4.0 cũng đã khác rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, dù cuộc sống có hối hả, bận rộn đến thế nào thì ngày Tết cổ truyền vẫn có vị trí đặc biệt quan trọng trong văn hóa người Việt. Các món ăn được lựa chọn trong ngày đầu xuân bao giờ cũng chứa đựng những gì tinh túy, đặc trưng nhất, phản ánh rõ nét nhất cái tài đảm đang, khéo léo của người làm ra chúng.
Bên cạnh đó, ẩm thực ngày Tết Việt Nam còn được biết đến với sự phong phú, đa dạng giữa các dân tộc, các vùng miền và tất cả đều hướng tới giá trị văn hóa truyền thống chung về cuộc sống, về cội nguồn.
Dọc theo dải đất hình chữ S vào những ngày đầu Xuân, từ điểm cực Bắc ở Hà Giang cho đến điểm cực Nam mũi Cà Mau, không khó để chúng ta bắt gặp bức tranh ẩm thực đầy màu sắc. Mỗi dân tộc, mỗi vùng đất lại có cách chế biến, thể hiện các món ăn ngày Tết với hương vị, nét đặc trưng riêng.
“Đối với gia đình tôi thì bữa cơm ngày Tết luôn là dịp để mọi thành viên trong gia đình, anh em bạn bè ngồi lại với nhau. Đi xa về gần có câu chuyện vui, buồn, thành công hay thất bại gì trong suốt một năm qua thì mình tâm sự.
Chính vì vậy, cho dù có bận rộn như thế nào đi chăng nữa thì cứ Tết đến, xuân về là mọi người đều cố gắng ngồi quây quần với nhau ít nhất là một bữa bên mâm cơm gia đình”.
“Trước khi đi lấy chồng mẹ mình luôn dặn là bày biện mâm cỗ Tết phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ. Ví dụ như thịt gà sắp ra đĩa thì phải đẹp, đầy đặn, da gà làm sao mà giữ được gần như nguyên hình khi chưa chặt. Giò cắt làm 6 miếng đều nhau.
Thậm chí dưa góp cũng cắt tỉa hình hoa cho đẹp mắt. Mâm cỗ thì bao giờ cũng có màu xanh của bánh trưng, màu đỏ của xôi gấc, màu vàng thịt gà, màu trắng dưa hành khi mình bày biện lên thì trông hài hòa mà đẹp mắt”.
Có thể thấy, không chỉ đơn giản là những món ăn thông thường, trong văn hóa ẩm thực của người Việt, mâm cỗ Tết còn mang ý nghĩa hạnh phúc, đoàn viên, nhất là sau một năm làm việc vất vả hay đối với những người con xa nhà.
Thưởng thức các món ngon trong không khí ngày đầu xuân mới giúp mọi người tạm gác đi bao nỗi lo toan, bộn bề cuộc sống, là dịp để ông bà, con cháu, anh em, bạn bè quây quần bên mâm cơm gia đình.
Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Bảo Hưng, thành viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam chia sẻ: “Một mâm cỗ Tết về mặt mùi vị, hương sắc đều rất đẹp. Về mặt tâm linh, ngày Tết là ông bà, bố mẹ, tổ tiên, các cụ về ăn Tết với con với cháu. Thế cho nên là phải dọn những thứ ngon nhất, tốt nhất, đẹp nhất để dành cho bố mẹ ông bà.
Sáng 30 Tết, để mâm cỗ lên cúng mọi người đều có một câu khấn là, con, cháu mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết với chúng con, chúng cháu. Chính vì vậy, ba ngày Tết không chỉ là lo cho mình mà còn lo cho ông bà, tổ tiên nữa. Ngoài việc nhớ đến ông bà, tổ tiên thì, người xưa còn muốn Tết là dịp để sum họp. Đi đâu thì đi nhưng cũng phải về để anh chị em sum họp với nhau, ý nghĩa ngày Tết của Việt Nam là như thế”.
PV: Là người từng nhiều lần mang ẩm thực Việt Nam ra thế giới trong các sự kiện giao lưu văn hóa, xin anh chia sẻ một vài kỷ niệm mà anh thấy đáng nhớ nhất?
Anh Nguyễn Thường Quân: Tôi ấn tượng đến tận bây giờ đó là câu chuyện về những người xa xứ, khi chúng tôi tổ chức những ngày ẩm thực Việt Nam tại Moskva, Nga, chương trình do Chính phủ và Bộ Ngoại giao tổ chức. Lúc đó chúng tôi có làm món phở đúng phong vị truyền thống.
Có rất nhiều người sau khi ăn xong đã đến ôm và cảm ơn đầu bếp đã đem quê hương đến cho họ. Đặc biệt, bác Đại sứ Việt Nam mình ở Nga sau khi ăn hai tô đã đến khen ngợi đầu bếp và nói rằng đã lâu lắm rồi mới được ăn phở đúng phong vị Việt Nam như thế này.
Đấy là những kỷ niệm rất vui. Vui vì thông qua món ăn mà người đầu bếp đã đem được cả quê hương, tâm tình, sự yêu thương đến cho đồng bào mình ở nước ngoài.
PV: Anh đánh giá như thế nào về vai trò của ẩm thực trong việc lan tỏa văn hóa Việt Nam?
Anh Nguyễn Thường Quân: Không chỉ riêng Việt Nam, ẩm thực đóng vai trò rất mạnh mẽ trong việc lan tỏa văn hóa của bất cứ quốc gia nào. Ví dụ nói đến Nhật người ta nghĩ đến susi, nói đến Hàn Quốc người ta nghĩ đến kim chi, Thái Lan là Tom Yum, nói đến Việt Nam thì phải nói đến phở.
Hiển nhiên sự lan tỏa đó là rất lớn. Vấn đề là chúng ta phải lan tỏa một cách bài bản chứ không phải tràn lan. Hiện nay công tác này còn chưa được kiểm soát tốt, chưa thống nhất về mặt hình ảnh, chất lượng nên đôi khi tạo ra hiệu quả ngược.
Có thể thấy, ẩm thực Việt Nam, đặc biệt trong những ngày Tết cổ truyền, vô cùng phong phú đa, dạng, mỗi món ăn đều mang ý nghĩa tượng trưng riêng, gửi gắm mong muốn về một năm mới may mắn, suôn sẻ. Trong đó, câu đối ‘Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh trưng xanh’, phản ánh hương sắc Tết truyền thống của người Việt.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Bảo Hưng phân tích: “Ngày xưa các cụ vẫn quan niệm là trời tròn đất vuông. Bánh trưng ở trong đó có rất nhiều sản vật của thiên nhiên. Màu xanh lá dong của bánh trưng là màu xanh của trời. Ngoài gạo nếp còn có đỗ, thịt mỡ, hành… đấy toàn là những thứ sản vật ngoài đồng làm được. Còn bánh dầy tượng trưng cho trời tròn.
Xôi gấc màu đỏ, màu của sự phát triển, của sự phát đạt, hy vọng rằng sang năm mình làm ăn sẽ phát tài, phát lộc nhiều hơn. Ngày xưa, trước Tết khoảng 15-20 ngày, cày bừa đã cất đi rồi, chỉ còn lo làm Tết thôi”.
CHỦ TỊCH HỘI ĐẦU BẾP VN NÓI VỀ ẨM THỰC NGÀY TẾT
Tết đến, xuân về là dịp mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, bạn bè gặp mặt tâm tình, hàn huyên chuyện năm cũ, chia sẻ dự định trong năm mới và chúc nhau những điều tốt đẹp.
Nhân dịp đầu xuân, phóng viên VOV Giao thông có buổi trò chuyện với anh Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam, thành viên danh dự của Hiệp hội Đầu bếp thế giới (World Chef); là người thường xuyên giới thiệu về ẩm thực Việt Nam trong các sự kiện ngoại giao quan trọng hay tiệc chiêu đãi khách quốc tế.